Năm 2023, UBND huyện giao nhiệm vụ cho 22 xã, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số cấp xã theo Bộ Tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa. Các địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện trên 3 trụ cột là: xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Về đích NTM kiểu mẫu năm 2024, xã Hoa Lộc là một trong 5 đơn vị được UBND huyện Hậu Lộc lựa chọn hoàn thành chuyển đổi số năm 2023. Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính quyền số là một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà xã thực hiện. Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp hệ thống máy vi tính, đường truyền mạng phục vụ công việc, đội ngũ cán bộ, công chức cũng được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, các phần mềm, ứng dụng trong công tác hành chính nhà nước. Đến nay, 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng văn bản chưa được xử lý.
Đến thời điểm nay, xã Hoa Lộc đã hoàn thành việc rà soát toàn bộ thông tin cá nhân của người dân trên địa bàn, trên cơ sở đó, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan sẽ hỗ trợ người dân kích hoạt mã định danh điện tử mức 2, tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công, cấp chữ ký điện tử miễn phí và tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính 100% trên môi trường mạng, không cần di chuyển đến trụ sở UBND xã hoặc UBND huyện.
Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, các địa phương đang tập trung thực hiện tiêu chí xã hội số với các lĩnh vực trọng yếu gồm: y tế, giáo dục và an ninh trật tự. Trong đó, các trạm y tế xã, phường, thị trấn lĩnh vực y tế đã triển khai phần mềm khám chữa bệnh song song với các phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân, phần mềm quản lý y tế cơ sở, từng bước số hóa dữ liệu cư dân. Thông qua các phần mềm này, các dữ liệu cá nhân, thông tin tiêm chủng, tiền sử bệnh tật, các chỉ số sinh trắc, cận lâm sàng của người dân được liên thông với cấp trên, tạo thuận lợi hơn cho công tác khám chữa bệnh. Ngoài ra, các xã cũng đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cấp xã cũng đã cho thấy một số khó khăn, đặc biệt là trong xây dựng kinh tế số. Điểm mấu chốt để xây dựng thành công nền kinh tế số là thương mại điện tử và nền tảng thanh toán điện tử. Nhưng ở khu vực nông thôn, việc triển khai cả 2 nội dung này đều còn rất hạn chế. Người dân không có thói quen thanh toán trực tuyến và chưa sẵn sàng thay đổi phương thức mua bán hàng từ truyền thống sang môi trường mạng.

Do đó các địa phương đang tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số, thiết lập thói quen giao dịch online và sử dụng thiết bị thông minh, máy tính như một công cụ thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho đời sống. Cùng với đó, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy nhanh, mạnh, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số cấp xã, bắt kịp với xu thế chuyển đổi số chung.
Chuyển đổi số cấp xã, phường là cách tiếp cận gần dân nhất, để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Việc nỗ lực hoàn thành chuyển đổi số tại 22 xã, thị trấn xã trong năm 2024 sẽ là cơ sở quan trọng để Hậu Lộc hoàn thành chuyển đổi số theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2022 - 2025.