Sáng 4/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Lê Tiến Lam, Nguyễn Quang Hải, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023. Dự phiên giải trình có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Phiên giải trình được kết nối trực tuyến đến 27 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Chủ trì tại điểm cầu huyện Hậu Lộc có các đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và đồng chí Nguyễn Minh Hoàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu; cùng tham dự có đồng chí Lường Văn Thắng, Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Vũ Thị Hà, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; Trưởng các Ban HĐND huyện; Chủ tịch MTTQ huyện; các đồng chí Trưởng Công an huyện, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng VKS nhân dân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện, BVĐK huyện, Trung tâm y tế, Đội quan lý thị trường số 3 Hậu Lộc, Trưởng các phòng UBND huyện có liên quan.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023. Đây là phiên giải trình thứ tư được Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức và là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Với ý nghĩa quan trọng của phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ địa phương, đơn vị và ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, thực trạng, nguyên nhân. Từ đó để Sở Y tế và các đơn vị có liên quan có những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế bất cập và nâng cao công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tại phiên giải trình, Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Cẩn đã báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023. Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh, hệ thống y tế tư nhân có: 1.553 cơ sở khám, chữa bệnh. Các bệnh viện tư nhân hiện có 3.991 giường bệnh nội trú chiếm 25,2% tổng số giường bệnh toàn tỉnh, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Trong những năm gần đây, hệ thống các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Công tác quản lý về hành nghề y, dược tư nhân đã được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo và thu được nhiều kết quả tích cực. Việc phát triển hệ thống y tế tư nhân đã huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đầu tư cho y tế, nhất là trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao phục vụ khám chữa bệnh, góp phần cùng y tế nhà nước thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo kết quả khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 do Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng trình bày tại phiên giải trình nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được đã được Sở Y tế nêu trong báo cáo, qua khảo sát thì công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là công tác tham mưu, triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về hành nghề y dược tư nhân của Sở Y tế chưa được triển khai sâu rộng. Hệ thống phần mềm quản lý hành nghề y, dược tư nhân chưa đáp ứng yêu cầu quản lý dữ liệu, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về người hành nghề, cơ sở hành nghề trên cổng thông tin điện tử của ngành Y tế. Công tác hậu kiểm sau khi cấp phép, công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế chưa thực hiện thường xuyên, số lượng còn ít. Còn nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không phép, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động khi chưa được công bố đủ điều kiện tại các địa phương.

Tại phiên chất vấn, chủ trì phiên chất vấn đã làm rõ một số nội dung mà đại biểu chất vấn như: số lượng các cơ sở y tế ngoài công lập đang có xu hướng tăng cao, khiến cho việc quản lý hoạt động hành nghề Y dược tư nhân trở thành bài toán khó đối với ngành Y tế. Hoạt động thực tế của một số cơ sở y dược tu nhân đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, như không tuân thủ đầy đủ các quy định về hành nghề khám, chữa bệnh và cung ứng thuốc; hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn; không tuân thủ thời gian hoạt động; hoạt động không có biển hiệu hoặc có biển hiệu không đúng quy định; người chịu trách nhiệm chuyên môn không có mặt tại cơ sở trong thời gian cơ sở hoạt động mà không ủy quyền cho người khác đủ điều kiện theo quy định của pháp luật...Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động khi chưa được công bố đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ; một số cơ sở kinh doanh dược chưa thường xuyên cập nhật dữ liệu vào phần mềm liên thông dữ liệu dược Quốc gia; niêm yết giá không đầy đủ hoặc không đúng quy định; để lẫn thuốc với các sản phẩm không phải là thuốc; tình trạng bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ còn phổ biến….