Xã Châu Lộc khai mạc Lễ hội Hàn Sơn năm 2018

Đăng ngày 13 - 07 - 2018
100%

Sáng ngày 13/7/2018, tức là ngày 01/6 năm Mậu Tuất, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Châu Lộc long trọng tổ chức lễ hội Hàn Sơn năm 2018. Dự buổi lễ có các đồng chí; Lê Văn Thơm - Ủy viên ban chấp hành Huyện ủy, Phó chủ tịch HĐND huyện; lãnh ban ngành đoàn thể cấp huyện; lãnh đạo các xã trong cụm vùng đồi, các bản hội và du khách thập phương về dự. Đồng chí Lê Bá Chân - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐND xã Châu Lộc và đồng chí Lê Văn Thơ – Chủ tịch UBND xã đã khai mạc và khai trống lễ Hội.

Theo người xưa, “Mẫu” là mẹ, “Cô” so với mẫu là ngôi con, nên “Rước Cô về hầu Mẫu” như (Con về thăm mẹ) là đạo nghĩa của con người và thuận theo lẽ trời đất, nên hàng năm mở hội để dăn dạy đời sau. Hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 âm lịch. Đây là lễ hội tâm linh lớn và kéo dài nhất vùng. Đến chính kỳ hội, trên bộ người kín như nêm xay, cờ súy rợp trời, dưới sông, thuyền về như mắc cửi, đủ mọi sắc màu, chiêng trống rộn vang làm náo nhiệt cả một vùng núi, sông, trời, đất. Có câu ca rằng:

“Dù ai buôn đâu bán đâu

Hội Hàn tháng sáu nhắc nhau cùng về.

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mười hai tháng sáu cũng về Hàn Sơn”!

Hay, “Tháng sáu hội gai, tháng hai hội Mía” (Hội gai là hội Đền Hàn) còn lưu truyền cho đến ngày nay. Cụm di tích danh thắng Hàn Sơn được công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh năm 1994, là một hệ thống điện Mẫu của đạo Mẫu bao gồm, Phủ Mẫu, Đền quan Giám Sát, Đền cô Tám và Đền Cô Đôi. Phủ Mẫu, còn gọi là cung cấm, xưa kia uy nghi tráng lệ và rất sầm uất gồm 5 cung. Thượng điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh (áo đỏ) ngồi ở giữa và cao nhất, bên hữu là mẫu Thoải (áo trắng), bên tả là mẫu Thượng ngàn (áo xanh). Cung thứ 2 là ban thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu. Bên tả thờ vua cha Bát Hải (vua nước), bên hữu thờ vua cha Diêm Vương (vua đất). Cung thứ 3 là ban thờ Đức Thánh. Cung thứ 4 thờ ngũ vị Tôn Ông. Cung thứ 5 thờ tứ phủ Chầu Bà, do chịu ảnh hưởng ít nhiều của Nho giáo mà các bà hầu như không có tên cụ thể. Tuy nhiên, do công lao của các bà rất lớn nên được nhân dân thờ phụng, các bà thường được nhân dân cho là người có công dạy nghề nhiệp cho họ, có người cầm quân đánh giặc. Đền quan Giám sát, Là nơi thờ tứ phủ ông hoàng trong hệ thống của thần điện Mẫu, ông Hoàng Nhất thường gắn với kiếp tu và tầng trên nên thường được “Kính nhi, viễn chi” ít có mối quan hệ trực tiếp với trần gian, các vị khác đa số là các nhiên thần và nhân thần có công với sản xuất, dựng nước và giữ nước như quan Hoàng Hai được coi như người mở nước phương nam. Quan Hoàng Ba – nhiên thần gắn với nguồn nước no đủ. Hoàng Sáu tức Trần Lưu và Hoàng Mười tức Nguyễn Xí là tướng chống giặc Minh của Lê Lợi, Hoàng Bảy là Nùng Chí Cao. Đền Cô Tám, Thờ vị “cứu tinh linh thiêng” chuyên chữa bệnh cứu giúp dân lành đã từng lặn lội núi cao, rừng sâu để tìm dược liệu quý. Theo nhân dân địa phương kể rằng, nhiều người đến đây lễ cầu đã lấy các thứ lá cây quanh đền về chữa khỏi cả bệnh nan y.  Đền Cô Đôi, thờ hai vị thánh cô, truyền thuyết kể rằng, Xưa có hai người con gái, tuổi 19 đôi mươi vì cảnh đời éo le nên không quản gió mưa đến nơi đây cầu Thánh Mẫu. Khi qua sông vì nước lũ dữ quá, họ đã thác xuống dòng sông, dân làng cho đó là người thành tâm với Thánh Mẫu và được Thánh Mẫu mang đi để hầu bảo, nhân dân đã xây đền thờ cho Hai cô bên dòng Sông Lèn cách phủ Mẫu chừng 01km./.

Mạnh Hà

Đài Truyền thanh Hậu Lộc

 

 

 

 

<

Tin mới nhất

°