
Thực hiện hợp đồng số 33/HĐ-TTKN, ngày 26 tháng 01 năm 2022 giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hậu Lộc về việc xây dựng mô hình “Ứng dụng kỹ thuật canh tác thông minh trong sản xuất lúa chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm”. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hậu Lộc đã khảo sát và triển khai thực hiện mô hình tại Thôn Trung Hà, xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc với qui mô 11 ha, cho 60 hộ tham gia.
Tuy Lộc vốn là xã thuần nông có diện tích tự nhiên là 5,92 km2, lao động trong sản xuất nông nghiệp chiếm 80% dân số, sản xuất ngành trồng trọt chủ yếu là cây lúa nước với 540 ha lúa/năm. Trong những năm gần đây bà con nông dân trên địa bàn xã đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao, mạ khay, máy cấy… Tuy nhiên đây là một trong 5 xã vùng chiêm trũng của huyện Hậu Lộc, việc tiêu úng còn gặp nhiều khó khăn, kỹ thuật canh tác của bà con nông dân chưa đồng bộ, sản xuất thâm canh lúa còn áp dụng theo kinh nghiệm, tập quán cũ…Việc đưa ứng dụng kỹ thuật canh tác thông minh vào sản xuất lúa là cần thiết, nhằm từng bước nhân rộng mô hình ra diện rộng trên địa bàn xã để tăng năng suất, chất lượng cây lúa giúp tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, cải thiện đời sống của bà con nông dân trên địa bàn xã.

Mô hình được thực hiện ở vụ mùa năm 2022, trên giống lúa TH8 của Công ty cổ phần giống cây trồng Bắc Giang, đây là giống được bà con tham gia mô hình và địa phương lựa chọn. Mô hình thực hiện đúng theo qui trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Trước khi bước vào vụ, 60 hộ tham gia mô hình đều được tập huấn kỹ thuật thâm canh tác thông minh trong sản xuất lúa, từ khi gieo mạ, bón phân ở từng giai đoạn, cũng như thời điểm phòng trừ sâu bệnh hại được cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể. Toàn bộ diện tích 11 ha của mô hình được thực hiện theo quy trình gieo mạ khay, cấy bằng máy và phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái.
Vụ mùa năm 2022, diễn biến thời tiết khó lường, đầu vụ khô hạn, thiếu nước, giai đoạn lúa trổ mưa lớn kéo dài, đặc biệt diễn biến sâu bệnh phức tạp hơn so với cùng kỳ những năm gần đây. Theo kiểm tra, theo dõi của bộ phận Trồng trọt – bảo vệ thực vật của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hậu Lộc cho thấy sâu đục thân năm nay gối lứa, kéo dài, trưởng thành xuất hiện từ 20/7 - 20/8, vì thế việc xác định điểm rộ rất khó và không tập trung. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình ủng hộ của 60 hộ tham gia mô hình, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương từ Bí thư, chủ tịch UBND xã đến Hợp tác xã nông nghiệp, nhất là sự tâm huyết, nhiệt tình của Bác Bí thư chi bộ thôn mà mô hình đã thành công ngoài sức mong đợi. Sau 5 tháng thực hiện mô hình: Khi chọn bất kỳ 5 điểm, hái 5 bông lúa chúng tôi thu được kết quả là: số hạt trên bông đạt 270 – 300 hạt/bông, số hạt chắc 220 hạt (tỉ lệ lép 7,3%), năng suất thực tế dự kiến đạt 73 tạ/ha trong khi so sánh với diện tích lúa TH8 thực hiện ngoài mô hình chỉ đạt năng suất thực tế 60 tạ/ha. Lúa trong mô hình hạt sáng mẩy, tỉ lệ hạt chắc cao, thân lúa vòng sóng, lá đòng đẹp màu vàng nghệ đến khi thu hoạch.
Việc ứng dụng kỹ thuật canh tác thông minh vào sản xuất lúa giúp giảm chi phí công lao động, giảm lượng giống gieo cấy/sào, giảm lượng thuốc và công phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa.
Mai Thị Hằng - Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hậu Lộc